Óc Sáng Suốt là tựa sách nằm trong bộ sách tự học của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Nếu bạn đã tiếp cận được với cuốn sách Tôi Tự Học thì không thể bỏ lỡ Óc Sáng Suốt – cuốn sách giúp mở rộng tinh thần học tập và rèn luyện bản thân.
Mục lục bài viết
Một vài ý tưởng về rèn luyện Óc Sáng Suốt
Cuốn sách mang đến những lời khuyên cụ thể trong việc rèn luyện để có được một tinh thần tự do của sự sáng suốt.
Sự sáng suốt mà tác giả Thu Giang đề cập đến trong tựa sách không chỉ là những bài học để áp dụng cho việc học tập mà còn là kinh nghiệm để có được một đời sống tinh thần tự do như mong ước của bao người.
Để có được óc sáng suốt, chúng ta phải tập trung rèn luyện
#1 Khả năng quan sát
Có những thứ chúng ta nghĩ rằng chúng ta nhìn thấy, chúng ta khắc ghi chúng nhưng thật ra chúng ta chỉ đón nhận một cách hời hợt và ghi nhớ sai khác dựa vào khả năng tư duy hẹp hòi của bản thân.
Chúng ta sẽ không thật sự nhận định rõ được sự vật, sự việc nếu khả năng quan sát của chúng ta bị hạn chế.
Quan sát không chỉ là nhìn chằm chằm vào điều gì đó. Quan sát là việc chú ý và để tâm ở nhiều khía cạnh khác nhau để có một tổng quan từ việc quan sát, tránh phiến diện, định kiến.
#2 Thuật tập trung tinh thần

Sự tập trung sẽ khiến quá trình quan sát của chúng ta có được những kết quả tinh vi hơn.
Tác giả cũng nêu ra lập luận để phân biệt sự tập trung tinh thần khác với sự cố chấp khư khư vào một việc gì đó. Sự tập trung thật sự rất khác xa định kiến.
Nền tảng của sự tập trung tinh thần: chú ý tự nhiên và chú ý cố tâm nhưng trong Óc Sáng Suốt, tác giả chỉ tập trung bàn đến chú ý cố tâm vì nó quan trọng trong con đường tiến bộ tri thức.
Để có thể rèn luyện được chú ý cố tâm cần phải có hứng thú, thói quen và cả ý chí.
Tập trung tinh thần sẽ mang đến nhiều lợi ích: quy nhất tinh thần, thâu được nhiều tài liệu chính xác, tránh được những sơ sót về văn tự, tăng tiến trí nhớ, giúp cho óc phát minh sáng tạo.
Khi tập trung tinh thần chúng ta cần tránh nhất là Tinh thần tản mát.
Điều kiện của sự tập trung tinh thần: Kiên nhẫn, Cơ sở, Sức khoẻ và hoàn cảnh, Kỷ luật và phương pháp, Chỉ làm một việc thôi, Tạo sự hứng thú, Thói quen.
Cách làm cho tinh thần được tập trung một cách đầy đủ: Quan sát, Đồng hoá, Mô phỏng, Suy nghĩ, Kiến thiết
#3 Thuật tưởng tượng

- Đặc tính của trí tưởng tượng: Tưởng tượng và cá tính, Tưởng tượng và không tưởng, Tưởng tượng và hứng thú, Tưởng tượng và mục đích, Tưởng tượng và tập quán.
- Cách hoạt động của trí tưởng tượng: Phân tích và tổng hợp, Giá trị của ức thuyết.
- Cách rèn luyện trí tưởng tượng: Phương pháp tiêu cực, Phương pháp pháp tích cực.
- Những nguồn kích động trí tưởng tượng: Quan sát, Thí nghiệm, Tài liệu, Nghệ thuật, Nhu cầu. Chúng ta hay đơn thuần nghĩ rằng tưởng tượng thì vô cùng dễ dàng. Tuy nhiên, để có thể phát triển khả năng tư duy thì tưởng tượng cũng cần có sự am hiểu và cách để rèn luyện. Như mình vừa tóm tắt ở trên, bạn sẽ nhận được sự phân tích chi tiết của tác giả về đặc tính, cách hoạt động, cách rèn luyện cũng như cách để kích thích khả năng tưởng tượng của bạn.
#4 Thuật tổ chức tư tưởng

- Tư tưởng của chúng ta thường được phân loại ra: Tư tưởng hỗn độn và Tư tưởng có trật tự. Để phát triển, chúng ta tập trung vào việc phát triển tư tưởng có trật tự.
- Sự phân loại có vai trò hết sức quan trọng khi chúng ta cần tổ chức tư tưởng. Phân loại trong thuật tổ chức tư tưởng giống như việc chúng ta nhận định được điểm giống và khác, điểm gần và xa, điểm chính điểm phụ,… để có thể học cách phân loại nhanh chóng những gì chúng ta đã quan sát, đã tập trung và đã ghi nhớ. Quá trình này được gọi là giai đoạn xử lý nguyên liệu để khi cần thiết chúng ta có dữ liệu để cung cấp cho mục đích sử dụng tri thức, phát triển nhận thức.
- Bí quyết tổ chức tư tưởng cũng sẽ được tác giả mô tả trong cuốn sách để bất kì độc giả nào cũng có thể tham khảo, thực hành.
#5 Thuật nhớ lâu
Một trong những việc hạn chế khả năng tư duy của chúng ta là không làm gì để duy trì khả năng ghi nhớ của mỗi chúng ta. Ai cũng thụ động đổ lỗi cho việc trí nhớ mình vốn sinh ra đã kém, trí nhớ sẽ mất dần theo thời gian, suy giảm trí nhớ do tuổi tác. Nhưng không, việc nhớ lâu cũng có cách để rèn luyện, thậm chí phát triển lên từng ngày chứ không hề phân biệt bạn là ai, tố chất của bạn ra sao khi sinh ra. Những nội dung chi tiết của tác giá Thu Giang Nguyễn Duy Cần về việc nhớ lâu trong tựa sách Óc Sáng Suốt là những bài học về:
- Sự cần thiết của trí nhớ
- Những điều kiện của trí nhớ: Cảm xúc, Óc mỹ cảm, Óc phân tích, Óc tổng quát, Óc loại tự. Bám theo những chỉ dẫn này của cụ Thu Giang, bạn sẽ phần nào hiểu về lý do vì sao chúng ta hạn chế khả năng ghi nhớ cũng nhớ có được bài học chi tiết để rèn luyện khả năng nhớ lâu và sâu của mình.
Rèn luyện để có được trí tuệ phải như thế nào?
#1 Cảm giác
Cảm giác là thứ mở đầu cho trí tuệ của con người. Vì sao lại thế? Cảm giác giúp chúng ta có cảm nhận về thế giới.
Sự liên kết của mỗi cá nhân và thế giới được liền mạch là nhờ con người có được những công cụ vừa đủ để duy trì được điều đó.
Cảm giác bao gồm thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác.
Ở đây, tác giả khuyến khích chúng ta suy xét mọi việc bằng sự kết hợp giữa nhiều loại cảm giác.
Từ đó, có một vài cá nhân có thể linh hoạt trong việc dựa vào cảm giác để xác định chủ thể cho những kiến thức, hiện tượng xảy ra trong đời sống của họ cũng như xã hội.
#2 Trí nhớ
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ có khả năng ghi nhận mà không có trí nhớ?
Vậy nên, rèn luyện trí nhớ là một trong những cách để có thể triển khai thông tin từ cảm giác. Trí nhớ hoạt động tốt là nền tảng của các quá trình sau này giúp chúng ta ứng dụng được tri thức và phát triển trí tuệ phù hợp nhất có thể.
#3 Phán đoán
Khả năng phán đoán được xem là đầu ra của quá trình cảm giác và trí nhớ. Mọi thứ bạn tiếp xúc phải được sắp xếp phân loại để tạo nên những phán đoán cần thiết.
Chúng ta vẫn thường nói với nhau người có thể phá đoán chính xác là người may mắn có được trực giác nhạy cảm trời ban.
Tuy nhiên, không ai tự nhiên lại có được trực giác với tính chính xác cao. Trực giác là kết quả được đúc kết bới khả năng cảm giác – tri giác sâu, quá trình ghi nhớ, xử lý thông tin bằng phán đoán khoa học chứ không hề dễ dàng hay tự nhiên mà có.
Nếu như bạn muốn mình thật sự sở hữu trí tuệ, biết cách sử dụng trí tuệ thì việc phán đoán cần có nền tảng từ rất nhiều khâu trước đó và sử dụng phán đoán dựa vào dữ liệu theo phương pháp chứ không phải vội vàng hay cả tin trước một suy tính thiên về cảm giác đơn thuần.
Nền tảng có được tinh thần tự do, hướng đến hạnh phúc thật sự
#1 Tình cảm
- Tình cảm vị kỷ: Tình cảm dành cho bản thân mình. Ở ấp độ tình cảm này, chúng ta thật sự dành mối quan tâm cho chính bản thân mình. Nền tảng tình cảm vị kỷ cũng chính là bước đệm để mỗi người trong chúng ta phát triển lên các cấp độ nhận thức cao hơn. Nếu không có tình cảm vị kỷ, chúng ta sẽ không có được cốt lõi để có thể nhận diện được bản thân mình. Và nếu không thể nắm bắt tình cảm dành cho mình, những thang bậc tình cảm khác cũng khó mà có được. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở tình cảm vị kỷ, những mục tiêu, hành động của chúng ta cũng trở nên nhỏ nhoi, tạm thời và mau chóng thay đổi. Như vậy, chúng ta cũng không thể đạt được trạng thái tinh thần tự do và toàn mãn.
- Tình cảm vị tha: Tình cảm dành cho những điều xung quanh gần gũi bản thân mình. Ai cũng nghĩ rằng tình cảm vị tha phải là tình cảm lứa đôi nên cho rằng ai muốn tinh thần thoả mãn thì phải ở trong mối quan hệ tình yêu đương với một ai đó. Nhưng không, đó chỉ là một trong những tình cảm vị tha mà thôi. Tình cảm vị tha là tình cảm dành cho gia đình, đối tượng yêu đương, thú nuôi, tri kỷ, đồng nghiệp, bạn bè. Sự vị tha thể hiện ở chuyện chúng ta nghĩ đến lợi ích của họ cùng với lợi ích của mình chứ không tách rời điều đó dẫn đến sự đố kị, tranh đua, ích kỷ… dẫn đến cảm giác không hạnh phúc trong các mối quan hệ.
- Tình cảm vô kỷ: Cao hơn tình cảm vị tha là cấp bậc của tình cảm vô kỷ. Tình cảm vô kỷ là mức độ quan tâm và xây dựng cho cộng đồng, xã hội thậm chí là toàn thể nhân loại. Khi ý thức được việc xây dựng tình cảm ở mức độ này, chúng ta sẽ có khả năng điều chỉnh hành vi vì những mục đích lớn lao hơn. Những hành động mang đến mục đích gây dựng cuộc sống tốt đẹp từ tình cảm vô kỷ sẽ khiến cho sự cảm thông, hy sinh tích cực tăng lên. Đó cũng là một trong những điều chúng ta cần tâm niệm trong quá trình hướng đến sự toàn vẹn trong đời sống tinh thần ý nghĩa. Và đó cũng là một trong những mục tiêu tốt đẹp để chúng ta nỗ lực phát triển tinh thần hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

#2 Trí tuệ
Chúng ta sinh ra ai cũng có một hệ thống tình cảm phức tạp. Tuy nhiên, nếu tình cảm cứ phát triển mà không song hành cùng trí tuệ thì cũng khiến con người khó lòng thật sự phát triển trong nhận thức tinh thần.
Trí tuệ giúp chúng ta có sự phân biệt khi tiếp nhận đối với những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.
Từ đó, giúp chúng ta có thể tận dụng được những điều mà mình đã học hỏi, đã từng trải qua để mang đến những sự phát triển.
#3 Lý trí
Lý trí là điểm tựa để giữ cho tình cảm và trí tuệ có được ranh giới nhất định.
Nếu chỉ có tình cảm, chúng ta mù mờ, vô định.
Nếu chỉ có trí tuệ, chúng ta lạnh lùng, tàn nhẫn.
Sự kết hợp giữa tình cảm và trí tuệ bởi lý trí là cán cân để cân bằng trong cuộc sống. Và lẽ thường, trạng thái cân bằng mới là trạng thái cần đạt được để hướng đến giá trị tinh thần lý tưởng mà bất kì ai trong chúng ta cũng mong muốn.
Tóm lại
Không hề dễ dàng để có thể thực hiện được theo những lời khuyên, bài học cụ thể từ tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Tuy nhiên, nội dung trong cuốn sách Óc Sáng Suốt được xem là một tấm bản đồ để hướng bạn đến được một tâm trí khai mở.
Thân mến,
Kin – Trên Kệ Sách.