Nhất định cần đến Thuật Yêu Đương để hiểu thấu tình trường!

Thuật yêu đương là cuốn sách hết sức đặc biệt của tác gia Nguyễn Duy Cần. Có thể, khi chỉ tiếp cận với tiêu đề Thuật yêu đương thì sẽ có người hiểu nhầm sang ý về những kỹ thuật ái ân. Tuy nhiên, không phải vậy, đây là một cuốn sách mang đến cho chúng ta rất nhiều trải nghiệm trong chuyện tình cảm với cách nhìn đầy sâu sắc của bậc tiền bối như một cách chia sẻ và truyền dạy dành cho thế hệ con cháu.

“Chết vì người yêu, dễ. Sống với người yêu, rất khó”

Thu Giang Nguyễn Duy Cần mang đến cho chúng ta một cuốn sách với đầy đủ quan niệm về yêu đương của một bậc tri thức. Sự hiểu biết và trải nghiệm của ông được đúc kết từ phong cách tri thức phương Tây đầu thế kỷ 20 cùng với các gốc gác của phương Đông mang đến những khái niệm, cách nhìn đầy hoà quyện, vừa mới mẻ, chân thật, vừa gần gũi, gắn bó với văn hoá của chúng ta.

Cuốn sách lần đầu tiên ra mắt độc giả vào năm 1961 khi tác giả Nguyễn Duy Cần đã hơn độ 50 tuổi cùng với rất nhiều tác phẩm lớn để đời. Ngược lại với những tác giả hay viết về tình yêu ở tuổi xuân sắc, cụ Thu Giang lại mang đến cho chúng ta một cuốn sách yêu đương trong khi tuổi đã xế tà. Có lẽ bởi vì vậy mà lời giải đáp của tác gia chỉ vỏn vẹn ở trong câu chữ: Chỉ có thời gian mới làm cho con người hiểu được sự sâu sắc của tình yêu.

Cũng chính vì vậy, Thu Giang Nguyễn Duy Cần cùng cuốn sách Thuật Yêu Đương, đã mang đến những chia sẻ của từng cung bậc buồn vui giận thương của những trái tim đang rung cảm, cách để chúng ta có thể sống vời người mình yêu lâu bền.

Tình yêu của người phụ nữ như thế nào?

Trong tình yêu, chúng ta vẫn thường nghe người đời quan niệm Phụ nữ hay phải chịu khổ đau và thiệt thòi. Điều này được nhắc đến một lần nữa trong Thuật yêu đương. Sở dĩ phụ nữ luôn bị đánh giá là chịu nhiều nỗi khổ đau bởi vì đó là cách họ lựa chọn, vì đối với họ, sự khổ đau đó mang đến hạnh phúc được sống trong tình yêu.

Cụ Thu Giang cũng chia sẻ với chung ta về quan niệm của người phụ nữ trong tình cảm. Họ chọn sự thứ tha, chọn đặt trọn vẹn tình yêu vào người khác chứ không phải ở nơi họ. Nói một cách khác, tình yêu của phụ nữ trong Thuật Yêu Đương là một tình yêu có phần phụ thuộc vào người mà họ chọn để yêu và được yêu một cách trọn vẹn nhất có thể. Cũng từ đó, phụ nữ hạnh phúc khi người họ yêu hạnh phúc. Nhưng sau cùng, đó cũng là những điều bên ngoài mà họ dựa vào để rồi một ngày nào đó không thể kiểm soát được tất cả những điều đang xảy đến… Vậy nên, họ thường phải chịu thiệt thòi, thậm chí rất đau khổ về điều đó.

Xét về khía cạnh để lựa chọn người mình yêu thương, phụ nữ thường nhầm lẫn giữa sự ngưỡng mộ, sự kính trọng là tình yêu. Họ mặc định cho rằng người đàn ông đó có thể là chỗ dựa của họ, là người có thể dẫn dắt họ trong cuộc sống và tình cảm. Vì đặc điểm này thì phụ nữ lại rất dễ có tình cảm với người mà họ hoà hợp trong giao tiếp, sự nghiệp. Và ngược lại, họ sẽ rất khó cảm tình với người mà họ không tìm được điểm nổi bật trong phong thái, người không mang đến cho họ sự ngưỡng mộ và kính nể.

Cách đàn ông sống với tình yêu?

Chuyện tình cảm của đấng mày rầu trong Thuật yêu đương lại khác. Có thể trích dẫn ngắn gọn đó là “sự vị kỷ”. Đàn ông luôn muốn tìm thấy sự vui thích của bản thân để trở thành niềm hạnh phúc. Vì thế, tình yêu của họ có phần chủ động hơn phái nữ. Người đàn ông luôn độc lập và hoàn toàn có khả năng tự túc trong chuyện tình cảm mà chẳng cần bận tâm quá nhiều vào những người phụ nữ đang cố gắng để hy sinh càng lúc càng nhiều cho họ.

Dĩ nhiên, họ vẫn muốn có cảm giác được che chở cho phụ nữ, bảo bọc phái yếu. Họ sẽ luôn tìm cách để được ở cạnh người cho họ cái cảm giác mình to lớn và vẹn toàn đó. Bởi vậy người xưa cũng thường nói phụ nữ phải biết cách khéo léo để thể hiện mình cần người đàn ông để dựa dẫm.

Chân thật – Yếu tố quan trọng nhất trong tình yêu

Bên cạnh việc phân tích về sự khác nhau giữa quan niệm tình yêu, Thu Giang Nguyễn Duy Cần cũng giúp ta nhìn thấy được bản chất của một tình yêu thật sự.

Chương 3 của cuốn sách đã mang đến cho độc gia nhiều lý do tạo nên tình yêu như vẻ bề ngoài, nhục dục và tình thương của cảm giác che chở bao bọc. Mỗi yếu tố của tình yêu được làm rõ tường tận trong cuốn sách nhưng có một yếu tố được làm nổi bật hơn trên hết: Sự chân thật.

Trong cuốn sách Thuật yêu đương, ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều lần cụm từ “chân thật”. Không phải vô ý mà tác giả lại muốn nhấn mạnh điều này. Bởi lẽ yêu đương là chuyện rất dễ nhầm tưởng nên sự chân thật ngay từ đầu vẫn là điều cốt lõi làm nên những khoảnh khắc thật của cả hai phía.

Đến cuối cùng, cụ Thu Giang vẫn không quên kết luận “thuật yêu đương” thật sự dành cho cả đàn ông và phụ nữ chính là sự lắng nghe, sự nhường nhịn, khéo léo, biết nhận thức chính mình, tin tưởng vào tình yêu bằng cách biết rời xa để thêm yêu,…. Và tất nhiên, Thuật yêu đương không bao giờ là thừa thải. Nắm vững thuật yêu đương để can đảm chấp nhận cho dù người yêu có thể thuộc về mình hiện tại nhưng không có nghĩa phải chôn buộc người với mình đời đời kiếp kiếp.

Không có luật pháp nào bắt người ta yêu nhau mãi mãi. Tình yêu phải là sự chinh phục từng ngày một, từng phút một

Cuốn sách  Thuật yêu đương vỏn vẹn và tràn ngập cung bậc cảm xúc trong 325 trang. Đây là những trang sách như có ma lực chữa lành cho những trái tim đang khắc khoải vì cuộc tình tan vỡ, cho những tâm hồn mộng mơ biết cách đợi chờ tình yêu đến. Trên hết, đây là cuốn sách đáng đọc vì chúng ta không thể mãi miết đi theo tình cảm mà không biết được căn nguyên của chuyện tình ái.

Thân mến,

Kin – TSK.


Leave a Comment