Đây là cuốn sách được xem là cứu cánh cho những ngày hoang mang của mình. Đến tận bây giờ, mình luôn cảm nhận được nguồn năng lượng mà Một nghệ thuật sống – Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã mang đến cho mình. Với mình, cuốn sách có sức hấp dẫn, có năng lượng lan tỏa cần thiết cho mình và cả cho những ai thật sự có duyên với nó.
Cơ duyên với Một nghệ thuật sống
Vào mùa hè năm 2014, thời điểm mình vừa tốt nghiệp đại học, một người bạn đã dành tặng cuốn sách Một nghệ thuật sống của cụ Thu Giang cho mình. Ngày đó, mình không phải là người quá ham mê chuyện đọc sách và nhận thấy được những điều quan trọng mà sách mang đến. Thế nhưng, sau lời đề tặng cũng như tấm lòng của bạn, mình đã tỉ mỉ để trải qua từng trang một cách say sưa – điều hiếm thấy trước đây của mình.
Lí do khiến mình đọc rất kĩ là vì chính người bạn đã mang cuốn sách này đến với mình – một người bạn hết thảy đam mê sách, điềm tĩnh, chững chạc hơn rất nhiều so với lứa tuổi của mình.
Vậy đó, chắc hẳn bạn mình là một người có gu trong chuyện lựa chọn sách. Mình nghĩ, không có lí do gì mà có thể khiến chúng ta ngó lơ một cuốn sách được người tri thức giới thiệu cả.
Và tới giờ, mình đã cảm thấy rất hài lòng với suy nghĩ đó. Đó cũng chính là cơ duyên dẫn mình đến hành trình thân thiết hơn với sách.
Một nghệ thuật sống là như thế nào?
Cuốn sách này không phải là những lời răn dạy hay bó buộc nào từ phía tác giả. Cụ Thu Giang không cho chúng ta câu trả lời đích xác về việc phải sống ra sao, sống như thế nào mới là nghệ thuật mà mọi thứ được gợi mở khéo léo để mỗi người tự ngâm ngẫm cho chính cuộc sống của mình.
Những văn tự có phong thái cổ xưa trong Một nghệ thuật sống đơn thuần là những chia sẻ để độc giả tự chiêm nghiệm, tự bước đi trên những hành trình để hình thành nên một “lẽ sống” mang bản sắc cá nhân.
Ngoài ra, vai trò của môi trường xã hội bên ngoài luôn có sức mạnh vô hình để giúp chúng ta mạnh dạn hơn trong việc nhìn rõ cũng như loại bỏ ra những điều đang cản trở đời sống của chính mình.
Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã thể hiện một thái độ lạc quan, cách nhìn phổ quát, không cứng nhắc mong mỏi mỗi người phải như thế nào để làm hài lòng người khác, để phải bước đến địa vị chuẩn mực nào đó mà xã hội vô hình quy chụp cho mỗi người.
Chỉ với 116 trang, cuốn sách nhỏ bé này là những lí lẽ sâu sắc cho câu nói của Goethe được in ở ngoài bìa sách: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi xanh tươi”.
Chúng ta không thể tiến lên mà thiếu đi những lý thuyết nền tảng về mọi thứ trong đời sống này. Việc sử dụng những hiểu biết để tạo nên “cây đời xanh tươi” của mỗi người cần có sự hòa hợp giữa tâm trí, đón nhận bản thân, nhạy cảm với những điều đang tác động ở bên ngoài.
Có thể hiểu rằng, đứng trước mọi điều, chúng ta phải hết sức hữu tâm đừng để những “vật ngoài mình” làm chủ mình, cũng như đừng để những học thuyết, quan niệm từ xã hội, tôn giáo tác động vào cách suy nghĩ và hành động của mình.
Rõ ràng, chúng ta có rất nhiều mong mỏi, ước muốn trong đời sống này, nhưng đôi khi áp lực đó lại không phải là những điều có thật? Phải chăng chỉ là những bức tường ngụy tạo và bị ảnh hưởng bởi rất nhiều thứ bên ngoài kia?
Nghệ thuật sống là sự nhạy cảm với cuộc đời nhưng vẫn nhận diện được vị trí của tâm hồn mình
Có lẽ, thời gian đầu sau khi đọc xong Một Nghệ Thuật Sống mình khá trăn trở về rất nhiều câu hỏi về chính bản thân mình, về rất nhiều điều xảy đến…
Nhưng một thời gian ngắn sau đó, mình đã hiểu được rằng, cuộc đời có những câu hỏi lớn và cũng sẽ tự mang đến cho chúng ta những lời giải đáp đủ & thỏa đáng. Vì vậy, Một Nghệ Thuật Sống sẽ giúp bạn nhẹ nhàng hơn với chính bản thân, chính cuộc sống và có một đời sống xanh tươi.
Cảm ơn một mối duyên nhỏ đã mang Một nghệ thuật sống đến với mình. Còn với bạn, nếu chưa thử khám phá cuốn sách bé nhỏ này, hãy thử nghiền ngẫm đi nhé. Không uổng phí chút nào đâu!
Kin Vux – Trên Kệ Sách.