Ghi chép nhanh về Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ

Vì tính tò mò trong một lần dạo quanh nhà sách, mình đã mua Bản Sắc – Nhu Cầu Phẩm Giá Và Chính Trị Phẫn Nộ – tác giả Francis Fukuyama.

Tổng quan thì đây là cuốn sách với rất nhiều nội dung về Kinh tế chính trị, Chính trị.

Tác giả Francis Fukuyama từng dự đoán rằng nước Mỹ sẽ bị các nhóm lợi ích đầy quyền lực nắm giữ. Lời tiên đoán của ông được chứng thực khi có sự trỗi dậy của một loạt thế lực phi chính trị, có khuynh hướng đe dọa gây mất ổn định cho trật tự toàn thế giới.

Nhu cầu được công nhận về bản sắc là yếu tố chủ đạo, có thể bao gồm rất nhiều hiện tượng đang diễn ra trong chính trị thế giới ngày nay. Sự công nhận phổ quát – tạo nền móng cho nền dân chủ tự do – vẫn không ngừng bị thách thức bởi các hình thái hạn hẹp hơn, đó là sự công nhận dựa trên quốc gia, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc, dân tộc, giới tính, tất cả gây nên chủ nghĩa dân túy chống-nhập-cư, sự bùng phát của Đạo Hồi chính-trị-hóa, “chủ nghĩa tự do bản sắc” chống đối tại các trường đại học và sự xuất hiện của chủ nghĩa dân tộc da trắng.

Bản sắc là cuốn sách cần thiết và cấp thiết, mang đến một lời cảnh báo sắc sảo: nếu không lý giải được bản sắc con người, chúng ta sẽ tự đẩy mình đến tình trạng xung đột triền miên.

Xuyên suốt trong cuốn sách Bản Sắc là 3 khái niệm nền tảng

  • Thymos: một phần của linh hồn khao khát có được công nhận về phẩm giá
  • Isothymia: nhu cầu được tôn trọng trên cơ sở bình đẳng với những người khác
  • Megalothymia: mong muốn được công nhận là vượt trội

Dưới đây là những một số ghi chép ứng dụng của mình khi trải nghiệm tựa sách Bản Sắc – tác giả Francis Fukuyama.

Chúa, Con người và Động vật.

Con người khác Động vật bởi khả năng Lựa chọn. Nhưng vẫn không thể sánh với Chúa bởi sự hy sinh và tính đúng đắn của những lựa chọn.

Con người luôn phân biệt Thiện – Ác và không tránh khỏi những lựa chọn không thuần “Thiện”.

“Động vật không có khả năng biết thiện và ác vì chúng hành động theo bản năng, trong khi Chúa, hiểu theo một cách nào đó, là sự nhân từ thuần khiết và luôn có lựa chọn đúng đắn. Năng lực lựa chọn của con người mang lại cho con người địa vị cao hơn động vật vì năng lực này can dự vào năng lực nhân từ của Chúa, tuy nhiên thấp hơn Chúa vì con người có khả năng phạm tội.”

Mâu thuẫn dữ dội giữa bản sắc được hấp thụ và truyền thống bản địa

Luận điểm này sẽ góp phần giải thích cho một phần nguyên nhân tạo nên các cuộc nổi dậy ở nhiều nơi như Ấn Độ, Việt Nam,…

Mâu thuẫn xảy ra với Hồi giáo cũng vậy.

Việc tự do được mặc trang phục truyền thông (Hồi giáo), không thể hiện họ là những người ngoan đạo mà là sự thể hiện họ tự tin khi công khai họ thuộc một tôn giáo.

Điều này thể hiện được tín hiệu của bản sắc, cho thấy sự tự hào về văn hoá của chính mình.

Do đó, nếu những gì bạn thuộc về (Bản Sắc) không được thoải mái bộc lộ ra bên ngoài, chúng ta sẽ phải trải qua những mâu thuẫn dẫn đến các cuộc cách mạng Bản Sắc.

Cụ thể, những cá nhân mong muốn được xã hội công nhận về nhiều khía cạnh mà họ còn thiếu hụt hoặc không tự tin để thể hiện, chắc chắn ít nhiều sẽ có những vấn đề phát sinh khi khó dung hoà giữa Bản Chất và Bản Sắc.

Có thể, bạo lực, xung đột vì thế hay đến với những cá nhân, tầng lớp thiếu nhận biết cũng như tự tin về những gì họ sở hữu, những điều thật sự trong giá trị và chất lượng sống của họ.

Nghèo đói, thiếu thốn hoặc chính sách của chế độ hiện thời, không phải là lí do dẫn người dân hay bất kì cá nhân nào trở nên cực đoan, bạo loạn. Điều dẫn dắt họ cũng không phải là vấn đề tôn giáo mà chính là vấn đề mang tính cá nhân và tâm lý.

Họ cực đoan vì bị mắc kẹt giữa những thứ thuộc về họ, thuộc về tổ tiên họ nhưng họ chối bỏ và những thứ họ tiếp nhận lại chưa thể hoặc không thể chấp nhận họ như họ mong cầu.

Bản sắc cá nhân hay là sự tương đồng?

Xã hội hiện đại không khuyến khích mọi người phát triển sự nhìn nhận vào bản tính thực sự mà khiến chúng ta hành động dựa vào sự khẳng định mình – những sự so sánh thường trực.

Những bước phát triển của cá nhân không phải là dựa vào tháp nhu cầu của cá nhân. Nơi mỗi cá nhân có những nhận thức sâu sắc về bản thân.

Mặc đồng phục hay tự do bên ngoài?

Ai cũng nghĩ rằng chuyện mặc đồng phục là một sự bắt buộc không phù hợp, khiến mỗi cá nhân không tự do thể hiện cá tính của chính bản thân.

Tuy nhiên, chúng ta truy cầu sự khác biệt bên ngoài mình để tìm thấy sự đánh giá cao hoặc khác biệt của người khác.

Nhưng người khác lại không thể tìm thấy “bản sắc” thật sự của bạn để đánh giá. Mọi thứ lẫn lộn khiến nhiều điểm mù che mắt họ.

Từ đó, không một dấu hiệu nào có thể khiến họ tìm thấy bạn.

May mắn, họ đánh giá cao bạn, còn lại, bạn không được công nhận sự tự trọng trong chính góc nhìn mà bạn đã tạo ra.

Vậy nên, để có sự khác biệt bạn cần một bên ngoài đồng nhất với môi trường. Đó là nền tảng cơ bản để bạn có thể hoà nhập vào môi trường, để tự tin về sự có mặt của mình. Sau đó, là câu chuyện của khả năng nhận thức bản thân bên trong bạn!.

Bản Sắc là một tựa sách mang đến cho người đọc nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề cá nhân, dân tộc, quốc gia thậm chí là toàn cầu.

Đây có lẽ sẽ là cuốn sách tương đối khô, đôi khi khó hiểu nếu bạn là người không quá thích thú với những dẫn chứng liên quan đến chính trị, địa vị hay quyền lực.

Tuy nhiên, để tham khảo về lối suy ngẫm của một giáo sư về vấn đề cốt lõi của những biến chuyển trong chính trị, kinh tế, phát triển con người thì Bản Sắc có thể góp thêm vào nhiều điểm nhìn giá trị cho mỗi chúng ta.

Thân mến,

Kin Vux – TKS.

Leave a Comment